Lịch sử Giáo xứ Tân Vĩnh – Hạt Can Lộc – Giáo phận Hà Tĩnh

Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, năm 1828, cố Can Hằng là người ngoại giáo, quê ở xã Hậu Lộc, sống bằng nghề chài lưới, gia đình cố có 2 người con là Trần Quyền và Trần Phúc Sớn. Nhờ ơn Chúa thương, gia đình cố được trở lại Đạo và đến lập nghiệp tại xóm Trại Lau.

Thiên Chúa nhân từ và luôn thấu hiểu mọi sự, Ngài không để con cái mình cô độc nơi miền đất hoang vu; bởi vậy sau đó 2 năm, năm Canh Dần 1830, đã có 8 thành viên mới cùng đến sinh sống với cha con cố Hằng, đó là cố Liên, cố Bắc, cố Nhạ, cố Phước, cố Tài, cố Vinh, cố Công và cố Ngại, thuộc Giáo họ Ba Già, xứ Trại Lê. Hoàn cảnh lúc đó thật túng thiếu đủ bề, nhưng không vì thế mà làm giảm đi niềm tin vào Đức Kitô trong họ, trái lại cuộc sống càng khó khăn thì các ngài càng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Bởi vậy tập thể Giáo họ nhỏ bé đầu tiên ấy đã chung lòng, chung sức, lấy sào đáy làm cột, lá lau làm tranh, cây lau làm mầm trét đất, dựng ngồi nhà nguyện tại khu vực nghĩa địa. Giáo họ Tân Lập được ra đời trong hoàn cảnh ấy, chính các ngài đã viết nên những trang sử đầu tiên của Giáo họ:

Tiên tử Đông A làng tộc xứ
Hoang lộ kết thành xạ vụ
Thiên vị Tân Lập chi danh
Con tiên họ Trần cháu rồng xư xứ
Thiên lập thành tích, phát lau đáp nền
Làm nhà làm cửa, thành xóm thành làng
Sinh cháu, sinh con gọi là Tân Lập.

Sông Nghèn, con sông thân thương từ bao đời nay luôn gắn bó mật thiết với đời sống của người giáo dân nơi đây trong suốt cả chiều dài lịch sử Giáo họ. Sông Nghèn chính là nguồn mạch đầu tiên để các Vị Tiền Nhân đưa ánh sáng Đức Kitô đến cho vùng đất hoang vu này. Nỗi nhọc nhằn vất vả với bao mồ hôi công sức ngày nào của các ngài, bây giờ đã hóa thành tên làng, tên xóm, tên sông. Các ngài chính là hạt cải đức Tin đầu tiên được gieo vào vùng đất này qua bàn tay nhân lành của Thiên Chúa. Hạt giống đức Tin ngày nào nay đã trở về tro bụi và đang đợi chờ sự Phục Sinh mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai biết tuân giữ Đạo thánh Người. Di hài của các thế hệ ông cha thuở trước nay đã được cháu con xây cất nằm gần chính ngôi Nhà nguyện đầu tiên của Giáo họ. Trong sự tưởng nhớ và tri ân trước ơn nghĩa sinh thành, bóng dáng người xưa vẫn như lẩn khuất đâu đây bên mỗi gốc bần, bãi sậy và phần nào được tái hiện qua hình ảnh của lớp cháu con hôm nay đang ngày ngày mưu sinh cũng bằng nghề sông nước, thức dậy trong ta bao kỷ niệm buồn vui.
Đất lành chim đậu, đến năm Giáp Tý 1864, Tân Lập đã có 50 hộ, với số giáo dân đã tăng lên 300 người. Dưới sự hướng đẫn của cha già Tuần quản xứ, Giáo họ Tân Lập làm được ngôi nhà thờ bằng cột gỗ lim, lợp tranh săng, xung quanh trát đất, quét vôi trắng và đã mau chóng trở thành một họ đạo thuộc xứ Trại Lê, đặt tên là họ Tân Lập, nhận quan thầy là Thánh Micae. Từ cầu Nghèn ngược dòng sông khoảng 2km người ta thấy một nghĩa địa Công giáo mới hình thành, đây là xóm cũ của Giáo họ gọi là xóm Trại Lau. Xóm này cách thị trấn Nghèn 1km về Tây Bắc, phía Nam sát bờ sông Nghèn, về địa danh hành chính lúc đó thuộc xã Hồng Nam, sau thuộc về xã Thiên Lộc. Cùng với thời gian, qua bao biến đổi thăng trầm, con số giáo dân Tân Lập vẫn không ngừng phát triển, ngày một tăng. Để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, cuộc sống và tôn giáo, bà con Giáo họ đã di dời lên sát đường quốc lộ 1A, và chuyển ngôi nhà thờ lên Cồn Tròi, chính là vị trị ngôi thánh đường hôm nay.

Dưới thời cha già Phêrô Nguyễn Hiên làm quản xứ, năm 1927, giáo dân đã dựng nên một ngôi nguyện đường bằng tre, bằng nứa để sớm tối cầu kinh nguyện ngắm. Về sau, ngôi nguyện đường bé nhỏ không thể đáp ứng vì số giáo dân ngày càng đông thêm. Do vậy năm 1942, thời cha Phêrô Trần Văn Ngôn làm quản xứ, một ngôi thánh đường khác được dựng nên, to hơn, đẹp hơn. Sau khi xây dựng nhà thờ bà con giáo dân lấy đày ráo làm một nhà mục vụ (nhà phòng). Trong quá trình tồn tại của mình, theo thời gian ngôi thánh đường chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, được tu bổ lại nhiều lần. Vậy là từ năm 1830 đến nay, Giáo họ Tân Lập đã 5 lần làm nhà thờ. Lớp con cháu hôm nay vẫn chưa hề phai nhạt hình ảnh ngôi thánh đường được xây bằng tường cột mít, lợp ngói, được làm năm 1963. Đến năm 1972 lại được nối thêm 2 vượt mới, rồi xây tháp nhà thờ vào năm 1976. Tất cả đó sẽ là những dấu mốc chói ngời về sự phát triển của lịch sử Giáo họ.
Ngôi thánh đường mà chúng ta có được hôm nay, được manh nha từ năm 1986, năm đất nước chuyển mình về cơ cấu kinh tế, tôn giáo có sự thay đổi, trong Giáo phận các nhà thờ Giáo xứ, Giáo họ đua nhau mọc lên. Năm 1962, lúc bấy giờ cha Phêrô Hoàng Bảo quản xứ, Giáo họ đã có nhiều đoàn thể sinh hoạt như: các cố, quan viên I, quan viên II, trai, phụ nữ, học trò...tạo nên những hội đoàn thi đua nhau trong công tác Giáo họ. Từ những đoàn thể này các vật liệu như gạch, gỗ, đá...đã được mua sắm dần. Đồng thời Giáo họ cũng đã tiến hành trồng các loại cây như phi lao, bạch đàn...chuẩn bị cho việc làm giàn giáo để xây dựng ngôi thánh đường mới.

Năm 1990, bề trên Giáo phận thuyên chuyển cha xứ Phêrô đến nhiệm sở mới là Giáo xứ Trang Nứa, sau đó về làm bề trên Đại Chủng viện và làm cha Tổng Đại diện của Giáo phận nhà - Giáo phận Vinh. Tuy ở các nhiệm sở mới, nhưng tinh thần của ngài vẫn luôn hiện diện với Giáo họ. Kế tục công việc của ngài là cha cố Phaolô Nguyễn Ngọc Thạch và cha Phêrô Nguyễn Thái Từ, hai vị tiếp tục cho chuẩn bị vật liệu xây dựng nhà thờ.

Trong quá trình chuẩn bị, ngày 31/05/1994, ngày lịch sử của Giáo họ và Giáo xứ, hai người con đầu lòng của Giáo họ được bước lên bàn thánh - lãnh chức linh mục, là cha Phêrô Trần Tùng và cha Phêrô Trần Phúc Chính. Đàn em của các ngài lần lượt đến gõ cửa các tu viện như Thánh Tâm, Biển Đức, Gioan Thiên Chúa, Ngôi Lời, Xitô, Mến Thánh Giá Xã Đoài, Nghĩa Yên, Nha Trang, Tiểu Chủng viện và Đại Chủng viện. Ngoài ra, hằng năm số anh em dự thi và đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học Chuyên nghiệp ngày càng đông. Do vậy tinh thần xây dựng nhà Chúa cũng được tăng lên.

Là một vùng quê quanh năm phải chịu nhiều thiên tai bão gió, và bị ảnh hưởng của bom đạn trong những năm chiến tranh ác liệt. Vì thế ngôi thánh đường Tân Lập đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu thờ phượng của giáo dân trước con số ngày một thêm đông. Được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép xây dựng, sự chuẩn y và giúp đỡ của Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đương nhiệm và Đức cha cố Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp; giáo dân Tân Lập lại chung lòng chung sức xây dựng nhà Chúa. Thế là ngôi nhà thờ cũ đã gắn bó với đời sống đức Tin của Giáo họ sau gần 40 năm, nay lại được con cháu dỡ xuống để nhường phần đất xây dựng nhà thờ mới.

Thật vậy, lời nói tiên tri của cha Phêrô ngày nào nay đã được ứng nghiệm, ngài nói: ”Khi nào cây làm được giàn giáo thì Giáo họ Tân Lập xây dựng được nhà thờ”. Ước vọng làm nhà Chúa thật là lớn lao, nhưng điều kiện vật chất thì quá ít ỏi, 4 triệu đồng của nguồn vốn lúc đầu chẳng thấm vào đâu. Nhưng sự khó khăn về vật chất đó sẽ chẳng nghĩa lý gì so với nỗi cực nhọc ban đầu của các Vị Tiền Nhân khi đến khai hoang lập Giáo họ. Vâng, chính đó là truyền thống quý giá đã làm nên sức mạnh cho 1760 giáo dân thêm quyết tâm xây dựng nhà Chúa.

Ngày 23/03/2002, Giáo họ tiến hành đỗ móng bêtông ngôi nhà thờ mới và đến ngày 07/08/2002, toàn Giáo họ nô nức đón mừng Đức cha Phêrô Maria Cao Đình Thuyên và linh mục đoàn về cử hành Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Thánh đường. Thánh lễ đã tiếp thêm sức mạnh liên kết mọi người nên một dưới sự điều hành của Cha quản xứ, Ban hành giáo, Ban kiến thiết. Mọi công việc từ đào móng, đổ bêtông đều được tiến hành đúng theo hoạch định. Không kể nắng mưa trưa tối, mọi người từ già đến trẻ đều thay nhau có mặt đầy đủ tại công trường. Kẻ góp của, người góp công, từng bước dựng xây nhà thờ.

Là một công trình xây dựng không có dự án, nguồn ngân quỹ chủ yếu được đóng góp từ các đoàn thể, cá nhân trong Giáo họ, kết hợp với sự giúp đỡ của các Giáo họ bạn, của các bà con lương dân. Đặc biệt là Giáo họ luôn nhận được sự giúp đỡ cả tinh thần và vật chất, của các Đấng bề trên Giáo phận, các Cha xứ qua các thời kỳ, các Cha quê hương; đã luôn kề vai sát cánh với Giáo họ trong mọi bước đường xây dựng nhà Chúa, với tinh thần ”tất cả vì nhà Chúa”. Thiên Chúa nhân lành không bao giờ để những ai cậy trông Ngài phải thất vọng. Thật vậy, sự quan phòng đầy tình thương của Ngài luôn được thể hiện trong suốt thời gian xây dựng, ngân quỹ Giáo họ giống như hũ bột và bình dầu của bà goá Xarépta không bao giờ vơi cạn.

Trong quá trình xây dựng, cha xứ và các ban ngành đã đưa ra nhiều sáng kiến, động viên tinh thần đóng góp, khuyến khích tinh thần dâng cúng. Mỗi gia đình trong Giáo họ được phát một hộp tiết kiệm, hàng tháng Giáo họ thu được từ quỹ tiết kiệm 3 đến 7 triệu đồng. Các hội đoàn trong Giáo họ thi đua nhau đổ bêtông công trình như cột điện, đường sá, trường học, nhà ở...khắp vùng thị trấn và các xã lân cận để có tiền xây dựng thánh đường. Song song lao động là phong trào tập thể, các hội nhận bổn mạng thánh Micae, Phêrô, Giuse, Maria, Anna...đua nhau dâng cúng thánh quan thầy. Còn các cá nhân người thì cho gạch, kẻ cho đá, người cho bàn thờ. Nhiều bà nhiều chị đã hi sinh cả những đồ trang sức quý hiếm của mình, như nhẫn vàng, bông tai để Giáo họ có thêm tiền xây dựng. Nhiều gia đình đã hiến cả lũy tre xanh, để làm giàn giáo, những người con của Giáo họ đi làm ăn xa đã gửi tiền về giúp đỡ xây dựng nhà thờ. Cùng với đó là sự sáng suốt, nhiệt tình, hi sinh của Cha xứ, Ban hành giáo, Ban kiến thiết, tạo nên một sức mạnh tổng hợp.
Ngày 02/07/2003, ngôi thánh đường mới trải đều một lớp ngói đỏ tươi trước sự vui mừng khôn xiết của bao người. Niềm vui nối tiếp niềm vui, vừa lợp xong nhà thờ, một thời cơ mới đã đến với 2 Giáo họ: Huyện nhà có chủ trương bêtông hoá đường giao thông nông thôn. Hai Giáo họ Vĩnh Lộc và Tân Lập đổ được hơn 5km đường làng, làm cho phong cảnh quê hương Giáo họ ngày càng khởi sắc hơn.

Công trình còn biết bao bề bộn thì bề trên Giáo phận đã thuyên chuyển cha quản xứ Phêrô Nguyễn Thái Từ đến nhiệm sở mới là Giáo xứ Đông Yên, sau hơn 10 năm vất vả vì công việc mục vụ tại Giáo xứ Kim Lâm. Kế tục công việc của ngài là cha Louis Nguyễn Văn Nga, là một linh mục trẻ vừa tốt nghiệp Đại Chủng viện Vinh Thanh có tài đức và đầy nhiệt huyết, ngài đã động viên khích lệ toàn Giáo họ cố gắng nổ lực hơn để công trình nhà Chúa chóng tới ngày hoàn thành.

Những hi sinh lớn lao của bao tấm lòng, cùng trí tuệ và công sức đóng góp của mọi thành phần trong Giáo họ, âm thầm lặng lẽ suốt trong 3 năm, đã làm nên sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn. Những sự cố gắng ấy đã được đền đáp, ngôi Thánh đường mới, ước mơ bao đời của người dân Giáo họ đã thành hiện thực, vượt xa khỏi sự mong muốn ban đầu. Lớp cháu con hôm nay đã làm tốt phần việc còn dang dở của các Vị Tiền Nhân và bước những bước tiếp, lòng dạt dào tình thương, trong sự tri ân từ Thiên Chúa quan phòng; để rồi ngày ngày mọi người được tụ họp trong ngôi Thánh đường này, thờ lạy và ca khen tình thương bao la của Thiên Chúa.

Ngôi Thánh đường Tân Lập mang đậm nét kiến trúc Châu Âu, nhưng vẫn giữ được nét riêng của văn hóa Á Đông. Giữa là ngọn đôm vút cao 37m, nâng hình Thánh giá nổi bật giữa nền trời trong xanh, là dấu chỉ hồng ân Thiên Chúa đã xuống cho Giáo họ. Trên đỉnh của mặt tiền Thánh đường, là tượng Chúa Giêsu Vua, với 2 cánh tay dang ra, luôn nâng đỡ đời sống đức Tin của Giáo họ qua mọi biến cố thăng trầm. Bức tượng Thánh Micae, quan thầy Giáo họ, được đặt phía trên cửa chính Thánh đường, với ý nghĩa sẽ luôn nhận được sự chở che và đồng hành của ngài, để Giáo họ luôn được an lành cả 2 phần hồn và xác.

Và vui mừng thay, ngày 03/08/2005, toàn Giáo họ nô nức đón chào Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên cùng toàn thể các cha trong Giáo phận về tham dự Thánh lễ cắt băng khánh thành nhà thờ mới. Ngoài công trình nhà thờ, Giáo họ còn có công trình Tượng đài thánh Micae, được xây trên hồ nước uống, nằm bên trục đường chính thẳng vào mặt tiền, kế bên hồ nước là dãy nhà 3 tầng và một dãy ở Tổ dân phố 11 cách nhà thờ 2km về phía Tây Bắc, đều là trường học Giáo lý của Giáo họ.

Ngần ấy thời gian hình thành và phát triển, Tân Lập được hút nhựa sống từ cội rễ ân đức của các Bậc Tiền Nhân. Sức sống của cộng đoàn nơi đây được thấm đẫm bởi mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những chứng nhân anh dũng. Gia sản truyền thống mà Giáo họ được kế thừa là đức Tin kiên vững, lòng nhiệt huyết, tình yêu mến Thiên Chúa và Giáo Hội của bao thế hệ cha ông đã dám sống chứng tá Tin Mừng giữa bao biến thiên thời cuộc. Đời sống đức Tin của Giáo họ không ngừng đi lên từng ngày: Tổng số nhân danh của Giáo họ lúc bấy giờ là 1961, các hội đoàn lớn mạnh với nhiều hoạt động mục vụ ý nghĩa.

Ngày 02/02/2017, một mốc son đánh dấu bước chuyển mình lớn lao trong lịch sử cộng đoàn 2 Giáo họ Tân Lập và Vĩnh Lộc, một trang sử mới được mở ra để viết tiếp những khúc ca hào hùng trong hành trình sống và lưu truyền đức Tin. Đó là, cùng với việc đón nhận quyết định thành lập tân Giáo xứ Tân Vĩnh, cộng đoàn nơi đây còn được chào đón tân Linh mục quản nhiệm tiên khởi, cha Giuse Phạm Đình Trị.

Căn cứ thỉnh nguyện thư của Hội đồng Mục vụ Giáo họ Tân Lập và Giáo họ Vĩnh Lộc, cùng với ước mong của hơn 2953 giáo dân nơi đây, bề trên Giáo phận đã quyết định thành lập Giáo xứ mới mang tên Tân Vĩnh gồm 2 Giáo họ Tân Lập và Vĩnh Lộc, tách từ Giáo xứ Kim Lâm, thuộc giáo hạt Can Lộc. Tân Lập và Vĩnh Lộc đều là những họ Đạo có chiều dài về mặt lịch sử và chiều sâu về đời sống Đạo và đều nằm trên địa bàn thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trụ sở Giáo xứ đặt tại Giáo họ Tân Lập. Đây là một hình thức cộng đoàn đặc biệt trong Giáo Hội, được dành cho các Giáo họ có đủ điều kiện nhưng vì một lý do nào đó mà chưa thể nâng lên Giáo xứ.
Cha quản nhiệm tiên khởi Giuse Phạm Đình Trị, là một linh mục trẻ trung, năng động, có tài đức và đầy nhiệt huyết. Nhờ đó, Giáo xứ sớm đi vào nề nếp trong đời sống đạo cũng như các hoạt động, sau hơn một năm thành lập. Không lâu sau khi ngài về coi sóc, cha cùng với bà con Giáo xứ đã xây dựng công trình Nhà Mục vụ, tọa lạc ngay phía sau nhà thờ xứ. Từ những bước đầu, cha cùng với Hội đồng Mục vụ và bà con giáo dân bàn họp và lên kế hoạch để xây dựng khuôn viên tổng thể cho Giáo xứ, như việc giải tỏa mặt bằng và làm lại con đường làng đi qua bên hông nhà thờ.

Đầu tháng 9/2017, bà con giáo dân phấn khởi cho công việc khởi công xây dựng phần móng nhà xứ. Sau gần 4 tháng miệt mài với bao sự hy sinh công của, phần kiến trúc cũng như nội thất đã hoàn thành. Công trình Nhà Mục vụ là một tòa nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc Tân Cổ Điển, gồm 2 lầu, 2 tiền sảnh, 16 phòng, nội thất hiện đại. Song song với đó là việc kiến thiết sửa sang lại khuôn viên nhà thờ, trồng cây xanh, xây tường bao quanh nhà thờ, nâng cấp trường học giáo lý...nhờ hồng phúc của Thiên Chúa, cùng sự giúp đỡ của quý ân thân nhân, và hơn hết là nhờ sự cố gắng, hy sinh của cha quản xứ, Hội đồng Mục vụ, cùng bà con giáo dân. Tất cả làm nên một bức tranh xứ đạo vừa cổ kính nhưng sầm uất với nhiều nét hiện đại và tươi mới.

Sáng ngày 29/09/2018, ngày lễ kính các Tổng lãnh Thiên Thần, toàn Giáo xứ nô nức đón chào Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cùng đông đảo quý cha và anh em Giáo xứ bạn về giữ lễ cắt băng khánh thành Trung tâm Mục vụ Giáo xứ, và tuần Chầu lượt đầu tiên diễn ra từ ngày 23 – 30/09/2018.

Ngày 22/12/2018, Giáo phận Hà Tĩnh được thành lập, tách ra từ Giáo phận Vinh, bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhận bổn mạng là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp làm Giám mục Chính tòa tiên khởi.

Ngày 07/08/2019, bề trên Giáo phận Hà Tĩnh thuyên chuyển cha Giuse Phạm Đình Trị về Giáo phận Vinh; đồng thời, cha Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá về quản xứ Tân Vĩnh, kiêm quản hạt Can Lộc và làm Tổng Đại diện Giáo phận Hà Tĩnh. Số giáo dân hiện tại của Giáo xứ là hơn 850 hộ, với hơn 3300 người.
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh quan thầy Micae, nguyện xin Thiên Chúa, tiếp tục thương ban muôn ơn lành cho mỗi Giáo dân trong Giáo xứ, để nhờ đó mọi người cùng nhau sống đức Tin, thực thi lời Chúa và tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng mỗi ngày.
____________________
Truyền thông Giáo xứ Tân Vĩnh
(Tân Vĩnh ngày 15/08/2019)
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.